Lịch sử Kinh tế Hàn Quốc

Lịch sử tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc từ năm 1961 đến năm 2015

Tổng quan

Sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Hàn Quốc vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trong hơn một thập kỷ. Năm 1960, tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của nước này chỉ là 79 đô la.[33] Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp chính là động lực chính để thúc đẩy nền kinh tế nước nhà đi lên. Năm 1986, ngành sản xuất chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và sử dụng 25% lực lượng lao động. Hưởng lợi từ sự khuyến khích mạnh mẽ của nhà nước và viện trợ nước ngoài, các công ty công nghiệp ở Seoul đã nhanh chóng đưa công nghệ hiện đại vào các cơ sở sản xuất cũ và mới giúp tăng cường sản xuất hàng hóa - đặc biệt là hàng hóa để bán ở thị trường nước ngoài - và thu lại số tiền thu được để mở rộng ngành công nghiệp hơn nữa. Kết quả là ngành công nghiệp đã hoàn toàn làm thay đổi bộ mặt của đất nước, thu hút hàng triệu lao động đến các trung tâm sản xuất đô thị.

Nền kinh tế Hàn Quốc suy thoái vào năm 1989 do đơn đặt hàng từ nước ngoài giảm mạnh dẫn đến xuất khẩu đình trệ, điều này đã gây ra mối lo ngại sâu sắc cho ngành công nghiệp. Các nhà phân tích thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp cho rằng hoạt động xuất khẩu kém là do các vấn đề cơ cấu trong nền kinh tế quốc gia, bao gồm việc đồng won quá mạnh khiến chi phí nhân công tăng cao khiến các cuộc đình công diễn ra thường xuyên và lãi suất cao. Kết quả là sự gia tăng của hàng tồn kho cũng như việc một số nhà sản xuất điện tử, ô tô, dệt may và một số công ty sản xuất phụ tùng quan trọng phải cắt giảm quy mô một cách nghiêm trọng. Các hệ thống tự động hóa của nhà máy được giới thiệu để giảm sự phụ thuộc vào lao động, giúp tăng năng suất mà không cần sử dụng nhiều lao động và nâng cao khả năng cạnh tranh. Người ta ước tính rằng hơn hai phần ba các nhà sản xuất của Hàn Quốc đã chi hơn một nửa số tiền có sẵn để đầu tư vào cơ sở vật chất và hệ thống tự động hóa.

Giai đoạn phát triển nhanh chóng những năm 1960 và 1980

Nền kinh tế Hàn Quốc so với Triều Tiên. Triều Tiên bắt đầu mất đi tính cạnh tranh về kinh tế so với Hàn Quốc sau khi nước này áp dụng Tư tưởng Chủ thể vào năm 1974.

Với cuộc đảo chính của Tướng Park Chung-hee vào năm 1961, một chính sách kinh tế bảo hộ đã được đưa ra nhằm thúc đẩy một giai cấp tư sản phát triển dưới cái bóng của Nhà nước để kích hoạt lại thị trường nội địa. Để thúc đẩy sự phát triển, chính sách công nghiệp hóa theo hướng xuất khẩu đã được áp dụng, chính sách chú trọng việc ngừng nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài trừ nguyên liệu thô. Một cuộc cải cách nông nghiệp đã được thực hiện với việc trưng thu mà không bồi thường các điền trang lớn của Nhật Bản. Tướng Park đã quốc hữu hóa hệ thống tài chính để mở rộng cánh tay quyền lực của nhà nước nhằm can thiệp vào nền kinh tế thông qua các kế hoạch 5 năm.[34]

Mũi nhọn là các chaebols, những tập đoàn gia đình hoạt động trong những lĩnh vực đa dạng như Hyundai, SamsungLG Corporation nhận được các ưu đãi của nhà nước như miễn giảm thuế, tính hợp pháp cho một hệ thống khai thác lớn và được tiếp cận nguồn tài chính rẻ gần như miễn phí: ngân hàng nhà nước đã tạo điều kiện cho việc lập kế hoạch cho vay tập trung theo từng mục theo từng kế hoạch 5 năm và theo tập đoàn kinh tế được lựa chọn để chủ trì.

Cho đến năm 1961, Hàn Quốc đã nhận được khoản tài trợ trị giá 3,1 tỷ đô la từ Hoa Kỳ, một con số rất cao vào thời điểm đó, đây là một đặc ân của việc nước này nằm ở khu vực nóng nhất của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Chính sách hỗ trợ kinh tế và quân sự đối ngoại này được tiếp tục duy trì trong nhiều thập kỷ. Các chaebol bắt đầu thống trị nền kinh tế trong nước và sau đó đã trở nên đủ mạnh mẽ để cạnh tranh quốc tế. Tiền lương và điều kiện làm việc của người lao động được cải thiện một cách ổn định đã giúp tăng tiêu dùng trong nước. Qua đó Hàn Quốc dần dần từ vị thế là nước thu nhập thấp đã tiến lên dần để trở thành nước thu nhập trung bình vào những năm 1980.[35]

Tổng sản phẩm quốc nội thực tế của Hàn Quốc trung bình tăng hơn 8% mỗi năm,[36] từ 2,7 tỷ đô la Mỹ năm 1962[37] lên 230 tỷ đô la Mỹ năm 1989[38] và chính thức vượt mốc nghìn tỷ đô la vào năm 2006. GDP danh nghĩa bình quân đầu người tăng từ 103,88 USD năm 1962[39] lên 5.438,24 USD năm 1989[40] và đạt mốc 20.000 USD vào năm 2006. Tỷ trọng ngành sản xuất tăng từ 14,3% GNP năm 1962 lên 30,3% năm 1987. Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa tăng từ 480 triệu USD vào năm 1962 lên 127,9 tỷ đô la Mỹ dự kiến ​​vào năm 1990. Tỷ lệ tiết kiệm trong nước trên GNP tăng từ 3,3 phần trăm năm 1962 lên 35,8 phần trăm năm 1989. Năm 1965, tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc lần đầu tiên vượt qua tốc độ tăng trưởng của Triều Tiên trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp, mặc dù GNP bình quân đầu người của Hàn Quốc vẫn thấp hơn.[41]

Yếu tố quan trọng nhất trong quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng là việc áp dụng chiến lược hướng ngoại vào đầu những năm 1960.[42][36] Chiến lược này đặc biệt phù hợp vào thời điểm đó vì Hàn Quốc là nước nghèo tài nguyên thiên nhiên, có tỷ lệ tiết kiệm thấp và thị trường nội địa nhỏ. Chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua xuất khẩu sản xuất sử dụng nhiều lao động, lĩnh vực mà Hàn Quốc có thể phát triển lợi thế cạnh tranh. Các sáng kiến ​​của chính phủ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này.[36] Thông qua mô hình công nghiệp hóa hướng đến xuất khẩu, chính phủ Hàn Quốc khuyến khích các tập đoàn phát triển công nghệ mới và nâng cao hiệu quả sản xuất nhằm cạnh tranh trên thị trường toàn cầu vốn có tính cạnh tranh cao.[43] Bằng cách tuân thủ các quy định và yêu cầu của nhà nước, các công ty đã được trợ cấp và hỗ trợ đầu tư để nhanh chóng phát triển thị trường xuất khẩu của họ trên trường quốc tế vốn đang phát triển nhanh chóng.[43] Ngoài ra, dòng vốn nước ngoài được khuyến khích rất nhiều để bổ sung cho sự thiếu hụt tiết kiệm trong nước. Những nỗ lực này đã giúp Hàn Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh chóng và thu nhập tăng sau đó.[36]

Bằng cách chú trọng phát triển lĩnh vực công nghiệp, chiến lược phát triển theo định hướng xuất khẩu ở Seoul khiến khu vực nông thôn trở lên tương đối kém phát triển. Ngành công nghiệp thép và đóng tàu nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế Hàn Quốc trong thời gian này.[44] Ngoại trừ ngành khai thác mỏ, hầu hết các ngành công nghiệp đều tập trung ở các đô thị phía tây bắc và đông nam. Các ngành công nghiệp nặng thường tập trung tại phía nam của đất nước. Các nhà máy ở Seoul đóng góp hơn 25% tổng giá trị gia tăng của ngành sản xuất vào năm 1978; Cùng với các nhà máy xung quanh tỉnh Gyeonggi, các nhà máy ở khu vực Seoul đã tạo ra 46% tổng sản lượng trong năm đó. Các nhà máy ở Seoul và tỉnh Gyeonggi sử dụng 48% trong tổng số 2,1 triệu công nhân nhà máy của cả nước. Sự chênh lệch thu nhập ngày càng tăng giữa khu vực công nghiệp và nông nghiệp đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng vào những năm 1970 và cho đến nay vẫn là một vấn đề nan giải bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm nâng cao mức thu nhập của nông dân và cải thiện mức tại khu vực sống nông thôn.[36]

Đầu những năm 1980, để kiểm soát lạm phát, một chính sách tiền tệ thận trọng đi kèm với các biện pháp tài khóa thắt chặt đã được áp dụng. Tăng cung tiền đã giảm từ mức 30% của những năm 1970 xuống còn 15%. Seoul thậm chí đã đóng băng ngân sách của mình trong một khoảng thời gian ngắn. Sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế đã giảm đáng kể và các chính sách về nhập khẩu và đầu tư nước ngoài được tự do hóa để thúc đẩy cạnh tranh. Để giảm bớt sự mất cân bằng giữa khu vực nông thôn và thành thị, Seoul đã mở rộng đầu tư vào các dự án công cộng, chẳng hạn như đường xá và cơ sở thông tin liên lạc, đồng thời thúc đẩy hơn nữa cơ giới hóa nông nghiệp.[36]

Các biện pháp được thực hiện vào đầu thập kỷ cùng với những cải thiện đáng kể của nền kinh tế thế giới đã giúp nền kinh tế Hàn Quốc lấy lại động lực phát triển đã mất vào cuối những năm 1980. Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng thực tế trung bình 9,2% trong giai đoạn 1982-1987 và 12,5% trong giai đoạn 1986-1988. Lạm phát hai con số trong những năm 1970 đã được kiểm soát. Lạm phát giá bán buôn trung bình là 2,1% mỗi năm từ 1980 đến 1988; giá tiêu dùng tăng trung bình 4,7% hàng năm. Seoul đạt được mức thặng dư cán cân thanh toán lần đầu tiên vào năm 1986 ghi lần lượt ghi nhận mức thặng dư 7,7 tỷ USD và 11,4 tỷ USD vào năm 1987 và 1988. Sự phát triển này cho phép Hàn Quốc bắt đầu giảm mức nợ nước ngoài. Tuy nhiên, mức thặng dư thương mại trong năm 1989 chỉ là 4,6 tỷ đô la Mỹ, một mức thặng dư nhỏ hướng tới năm 1990.[36]

Những năm 1990 và cuộc Khủng hoảng Tài chính ở châu Á

Trong nửa đầu những năm 1990, nền kinh tế Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng ổn định và mạnh mẽ về cả tiêu dùng cá nhân và GDP. Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, sau khi một số đồng tiền châu Á khác bị giới đầu cơ tấn công, đồng won của Hàn Quốc bắt đầu giảm giá mạnh vào tháng 10 năm 1997.[45] Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn bởi các khoản nợ xấu tại nhiều ngân hàng thương mại của Hàn Quốc. Đến tháng 12 năm 1997, IMF đã phê duyệt khoản vay trị giá 21 tỷ đô la Mỹ, đây sẽ là một phần của kế hoạch cứu trợ 58,4 tỷ đô la Mỹ.[45] Đến tháng 1 năm 1998, chính phủ đã đóng cửa một phần ba ngân hàng thương mại ở Hàn Quốc.[45] Trong suốt năm 1998, nền kinh tế Hàn Quốc tiếp tục suy giảm hàng quý với tốc độ trung bình là -6,65%.[45] Chaebol Daewoo của Hàn Quốc đã trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng khi nó bị chính phủ xóa sổ vào năm 1999 do các vấn đề nợ nần. Công ty General Motors của Mỹ đã tiếp quản khi mua lại bộ phận sản xuất động cơ của Tập đoàn này. Trong khi Tập đoàn Tata Group của Ấn Độ đã mua lại bộ phận sản xuất xe tải và xe hạng nặng của Daewoo.[45]

Các hành động của chính phủ Hàn Quốc và các thỏa thuận hoán đổi nợ của các tổ chức cho vay quốc tế đã gây ra các vấn đề tài chính cho đất nước. Phần lớn sự phục hồi của Hàn Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 là nhờ vào những điều chỉnh về lao động (một thị trường lao động năng động và hiệu quả với mức lương linh hoạt) và các nguồn tài trợ thay thế.[45] Vào quý một năm 1999, tăng trưởng GDP đã tăng lên mức 5,4%, và sự tăng trưởng mạnh mẽ sau đó kết hợp với áp lực giảm phát đối với đồng won đã dẫn đến mức tăng trưởng hàng năm là 10,5%. Vào tháng 12 năm 1999, tổng thống Kim Dae-jung tuyên bố cuộc khủng hoảng tiền tệ đã chấm dứt.[45]

Những năm 2000

Nền kinh tế Hàn Quốc đã chuyển từ mô hình đầu tư theo kế hoạch tập trung do chính phủ định hướng sang mô hình đầu tư theo định hướng thị trường hơn. Những cải cách kinh tế này, do Tổng thống Kim Dae-jung thúc đẩy, đã giúp Hàn Quốc là một trong số ít nền kinh tế đang phát triển nhanh của châu Á[cần dẫn nguồn] duy trì được tốc độ tăng trưởng 10,8% vào năm 1999 và 9,2% vào năm 2000. Tăng trưởng giảm trở lại mức 3,3% vào năm 2001 do nền kinh tế toàn cầu chậm lại, xuất khẩu giảm đi kèm những nhận thức về việc cải cách tài chính và doanh nghiệp đã bị đình trệ.

Sau khi phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh vào năm 2000 với mức tăng trưởng GDP là 9,08%.[45] Tuy nhiên, nền kinh tế Hàn Quốc đã bị ảnh hưởng bởi sự kiện 11 tháng 9. Nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu giảm và nhận thức rằng cải cách doanh nghiệp và tài chính đang bị đình trệ đã khiến tăng trưởng giảm trở lại mức 3,8% vào năm 2001.[46] Nhờ công nghiệp hóa mà GDP mỗi giờ làm việc (sản lượng lao động) đã tăng hơn gấp ba lần từ 2,80 đô la Mỹ vào năm 1963 lên 10 đô la Mỹ vào năm 1989. Ngày nay nền kinh tế Hàn Quốc đã dần ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng từ 4–5% từ năm 2003 trở đi.

Dẫn đầu bởi ngành công nghiệp và xây dựng, tăng trưởng năm 2002 là 5,8%[47] mặc cho sự chậm lại của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Việc tái cơ cấu các tập đoàn (chaebol) của Hàn Quốc, tư nhân hóa ngân hàng và tạo ra một nền kinh tế tự do hóa hơn - với cơ chế cho các công ty phá sản thoát khỏi thị trường - vẫn là những nhiệm vụ cải cách quan trọng nhất chưa được hoàn thành của Hàn Quốc. Tăng trưởng chậm lại vào năm 2003, nhưng sản xuất đã tăng lên 5% trong năm 2006 do nhu cầu phổ biến đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như HDTV và điện thoại di động.[cần dẫn nguồn]

Giống như hầu hết các nền kinh tế công nghiệp hóa, Hàn Quốc đã phải chịu những tổn thất đáng kể gây ra bởi Đại suy thoái. Tăng trưởng giảm đi 3,4% trong quý 4 năm 2008 so với quý trước, đây là quý đầu tiên Hàn Quốc có mức tăng trưởng âm trong 10 năm, mức tăng trưởng hàng quý tiếp tục âm vào năm 2009.[48] Hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế đều suy giảm, trong đó ngành sản xuất giảm 25,6% tính đến tháng 1 năm 2009 và doanh số bán hàng tiêu dùng giảm 3,1%.[48] Xuất khẩu ô tô và chất bán dẫn là hai trụ cột quan trọng của nền kinh tế đều giảm lần lượt 55,9% và 46,9%, trong khi xuất khẩu nói chung giảm kỷ lục 33,8% trong tháng Giêng và 18,3% vào tháng Hai năm 2009 cùng năm.[49] Như trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, đồng won Hàn Quốc cũng trải qua những biến động lớn khi giảm tới 34% so với đồng đô la.[49] Tăng trưởng hàng năm của nền kinh tế chậm lại còn 2,3% vào năm 2008 và được Goldman Sachs dự đoán sẽ giảm xuống mức thấp nhất là -4,5%,[50] nhưng Hàn Quốc đã hạn chế được mức độ trầm trọng của suy thoái khi đạt mức tăng trưởng 0,2% vào năm 2009.[51]

Bất chấp cuộc Đại suy thoái, nền kinh tế Hàn Quốc nhờ có những sự trợ giúp đến từ các biện pháp kích thích kịp thời và mức độ tiêu thụ sản phẩm nội địa mạnh mẽ bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu[52] đã tránh được một cuộc suy thoái với mức độ tồi tệ giống như hầu hết các nền kinh tế công nghiệp hóa khi đạt được mức tăng trưởng khả quan trong hai năm khủng hoảng liên tiếp. Năm 2010, Hàn Quốc đã có sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng 6,1%, báo hiệu sự trở lại của nền kinh tế. Xuất khẩu của Hàn Quốc đạt 424 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2010, cao hơn mức xuất khẩu của cả năm 2008. Nền kinh tế Hàn Quốc của thế kỷ 21, với tư cách là nền kinh tế thuộc nhóm Next Eleven, dự kiến ​​sẽ tăng trưởng từ 3,9 % đến 4,2% hàng năm trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2030,[53] tương tự như tỷ lệ tăng trưởng của các nước đang phát triển như Brazil hay Nga.[54]

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tại một bữa ăn sáng gặp gỡ các ông trùm kinh doanh chaebol Lee Kun-heeChung Mong-koo.

Chính phủ Hàn Quốc đã ký Hiệp định Thương mại Tự do Hàn Quốc-Australia (KAFTA) vào ngày 5 tháng 12 năm 2013, với việc chính phủ Australia đang tìm cách mang lại lợi ích cho nhiều ngành công nghiệp của mình — bao gồm ô tô, dịch vụ, tài nguyên và năng lượng — và định vị bản thân bên cạnh các đối thủ cạnh tranh chẳng hạn như Hoa Kỳ và ASEAN.[55] Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Australia và là đối tác thương mại lớn thứ tư với giá trị thương mại năm 2012 là 32 tỷ đô la Úc. Thỏa thuận có điều khoản Giải quyết Tranh chấp giữa khu vực Nhà nước với các Nhà đầu tư (ISDS) cho phép các tập đoàn Hàn Quốc khởi kiện chính phủ Úc nếu quyền thương mại của họ bị vi phạm.[56]

Chính phủ đã cắt giảm tuần làm việc từ sáu ngày xuống còn năm ngày trong các giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2011 tùy thuộc vào quy mô của công ty.[57] Số ngày nghỉ lễ được mở rộng lên thành 16 ngày vào năm 2013.[58]

Nền kinh tế Hàn Quốc giảm trong quý đầu tiên của năm 2019, đây là hoạt động tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. GDP điều chỉnh theo mùa so với quý trước đã giảm đi 0,3%.[59]

Nền công nghiệp công nghệ cao vào những năm 1990 và 2000

Năm 1990, các nhà sản xuất Hàn Quốc đã lên kế hoạch thay đổi đáng kể kế hoạch sản xuất trong tương lai sang các ngành công nghệ cao. Vào tháng 6 năm 1989, các hội đồng gồm các quan chức chính phủ, học giả và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã tổ chức các buổi họp để lên kế hoạch sản xuất các loại hàng hóa như vật liệu mới, cơ điện tử — bao gồm cả robot công nghiệp — kỹ thuật sinh học, vi điện tử, hóa học tinh chế và hàng không vũ trụ. Tuy nhiên, cuộc họp nhấn mạnh rằng sự thay đổi không có nghĩa là cắt giảm ngay lập tức hoạt động của các ngành công nghiệp nặng như sản xuất ô tô và tàu thủy, vốn đã thống trị nền kinh tế trong những năm 1980.[cần dẫn nguồn]

Hàn Quốc chủ yếu dựa vào xuất khẩu để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế, với các thành phẩm như đồ điện tử, hàng dệt may, tàu thủy, ô tô và thép là các mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của nước này. Mặc dù thị trường nhập khẩu đã được tự do hóa trong những năm gần đây, nhưng thị trường nông sản chủ yếu vẫn mang tính bảo hộ do giá nông sản trong nước như gạo so với thị trường quốc tế vẫn có sự chênh lệch lớn. Tính đến năm 2005, giá gạo ở Hàn Quốc cao gấp khoảng 4 lần giá gạo trung bình trên thị trường quốc tế, do đó người ta thường lo ngại rằng việc mở cửa thị trường nông sản sẽ có những tác động tai hại đối với ngành nông nghiệp Hàn Quốc. Tuy nhiên, vào cuối năm 2004, một thỏa thuận đã đạt được với WTO, trong đó sản lượng gạo nhập khẩu của Hàn Quốc sẽ tăng dần từ 4% lên 8% vào năm 2014. Ngoài ra, tới 30% lượng gạo nhập khẩu sẽ được cung cấp trực tiếp cho người tiêu dùng vào năm 2010, thời kỳ trước đó gạo nhập khẩu chỉ được sử dụng làm thực phẩm chế biến. Sau năm 2014, thị trường gạo Hàn Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn.[cần dẫn nguồn]

Ngoài ra, Hàn Quốc ngày nay được biết đến như một Bệ phóng của thị trường di động vốn đã trưởng thành, nơi mà các nhà phát triển có thể thu được lợi ích từ một thị trường có rất ít hạn chế để công nghệ có thể tồn tại. Ngày càng có nhiều xu hướng phát minh ra các loại phương tiện hoặc ứng dụng mới, sử dụng cơ sở hạ tầng internet 4G và 5G ở Hàn Quốc. Hàn Quốc ngày nay có cơ sở hạ tầng đáp ứng mật độ dân số và văn hóa có khả năng tạo ra sự đặc thù địa phương một cách mạnh mẽ.[60]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kinh tế Hàn Quốc http://dfat.gov.au/fta/akfta/fact-sheet-key-outcom... http://www.tiq.qld.gov.au/wp-content/uploads/2014/... http://english.chosun.com/site/data/html_dir/2010/... http://edition.cnn.com/2002/BUSINESS/asia/11/21/ko... http://www.country-data.com/cgi-bin/query/r-12311.... http://www.country-data.com/cgi-bin/query/r-12312.... http://www.country-data.com/cgi-bin/query/r-12313.... http://www.country-data.com/cgi-bin/query/r-12314.... http://findarticles.com/p/articles/mi_m0DKI/is_4_2... http://www.hankyung.com/news/app/newsview.php?aid=...